Lãi suất tiết kiệm điều chỉnh trái chiều

Lãi suất tiền gửi có xu hướng chững lại khi chỉ có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất kể từ đầu tháng 10 đến nay, trong khi đó xuất hiện ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm.

Tin tức kinh tế ngày 21/10: giá vàng nhẫn tăng kỷ lục, giá cau quay đầu  第1张 Tin tức kinh tế ngày 21/10: lãi suất tiết kiệm điều chỉnh trái chiều. Ảnh minh hoạ.

Tính riêng từ đầu tháng 10 trở lại đây, điểm danh các ngân hàng có tăng lãi suất tiền gửi bao gồm: LPBank, Bac A Bank và Eximbank. Trong khi đó, ngân hàng Techcombank lại giảm lãi suất tiết kiệm 2 lần với mức giảm trung bình mỗi lần là 0,1%/năm.

Giá vàng nhẫn tăng kỷ lục

Giá vàng thế giới trong ngày 21/10 chưa ngừng đà tăng sốc khi trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay lúc 16 giờ 30, theo giờ Việt Nam, lập đỉnh mới lên tới 2.735 USD/ounce, tăng thêm khoảng 5 USD/ounce so với buổi sáng và tăng khoảng 15 USD/ounce so với giá đóng cửa cuối tuần qua.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 21/10, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 83,45 – 84,45 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng nhẫn tại DOJI niêm yết giá vàng nhẫn mua vào 85,8 - 86,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với đầu phiên sáng nay. Đây là mức giá cao nhất thị trường hiện nay, cũng là mức cao nhất trong lịch sử thị trường vàng.

Giá vàng nhẫn tại PNJ đang được mua vào ở mức 85,6 - 86,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 900.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào bán ra so với đầu phiên sáng nay.

Phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD vào 2025

Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, báo cáo trước Quốc hội ngày 21/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có các giải pháp đột phá trên tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Theo Thủ tướng, mục tiêu của năm 2025 là tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. Tốc độ tăng chỉ sổ giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3 - 5,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1%...

Giá cau quay đầu lao dốc

Thời gian gần đây, cau tươi tăng giá liên tục, ghi nhận mức kỷ lục lịch sử, gấp khoảng 8 lần năm ngoái. Người dân ở các vùng trồng cau của Quảng Nam, Quảng Ngãi… thu hoạch quả bán được giá 40.000 đồng/kg thời điểm đầu vụ, sau đó vọt lên 80.000-90.000 đồng/kg. Đáng chú ý, cùng kỳ năm ngoái giá cau tươi có lúc chỉ dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg.

Thế nhưng, sau khi lập kỷ lục lịch sử, giá cau tươi bắt đầu lao dốc không phanh. Từ mức 85.000-90.000 đồng/kg, giá loại quả này giảm nhanh về mức 60.000-70.000 đồng/kg. Đáng chú ý, một số lò cau còn ngừng mua hàng.

Theo các thương lái, giá cau giảm mạnh là do phía đối tác Trung Quốc đã nhập đủ số lượng hàng cần để sản xuất nên họ ngừng mua. Thế nên, những ngày tiếp theo khả năng cao đà lao dốc của giá cau vẫn tiếp tục.

Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2024 dự kiến đạt khoảng 2 tỷ USD

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, năm 2024, thị trường sản phẩm thủ công mỹ nghệ toàn cầu hướng đến con số 1.107 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 2.394 tỷ USD vào năm 2032. Điều này cho thấy, thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ còn nhiều tiềm năng và là cơ hội cho hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.

Trong Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 4 tỷ USD; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030, có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD.